Lịch sử xưa nay cho thấy đã là sinh viên học tốt và tốt nghiệp ngành Kỹ thuật xây dựng Công trình thủy (CTL) thì khi ra trường không chỉ làm vững trong ngành mình mà còn làm tốt các ngành khác: Xin việc bên quản lý khai thác cũng đón nhận, xây dựng dân dụng và công nghiệp cũng tin tưởng, công trình giao thông cũng sẵn sàng… vì sao vậy? Hãy tìm hiểu khối kiến thức ngành Công trình thủy được học nhé.
1️⃣ Khối kiến thức Giáo dục đại cương
Đây là khối kiến thức bắt buộc theo quy định của Bộ GDĐT ở Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT. Khối kiến thức này giống nhau ở hầu hết các ngành, chỉ khác nhau ở nội dung một số môn. Lịch học các môn rải rác trong 2 năm đầu như sau: Pháp luật đại cương, Triết học Mác – Lênin, Kinh tế chính trị Mác – Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Kỹ năng mềm và tinh thần khởi nghiệp, Tin học Cơ bản, Hóa đại cương, Vật lý đại học 1,2, Toán (giải tích 1,2, đại số, phương trình vi phân), Tiếng anh 1,2, Giáo dục quốc phòng, Giáo dục thể chất. Tổng cộng 43 tín chỉ và 11 tín chỉ GDQP, 5 tín chỉ GDTC.
Nhìn chung, đây là những môn nặng về môn lý thuyết, khó học, phải học thuộc nhiều và “khó hiểu”, thường được sinh viên cho là nhàm chán. Tuy nhiên, chính môn đại cương sẽ giúp bạn có tư duy logic và phương pháp học tốt các môn chuyên ngành của mình. Môn đại cương là nền móng cho các môn học sau này của bậc đại học.
Trong các môn này có môn học Kỹ năng khá hay. Trước đây là Kỹ năng giao tiếp và thuyết trình, học ngay từ năm đầu, sau này thành Kỹ năng mềm và tinh thần khởi nghiệp, bố trí học ở năm 3. Kỹ năng mềm và tinh thần khởi nghiệp có nội dung khác nhau theo từng chuyên ngành.
Để đừng nhàm chán khi học khối kiến thức đại cương thì các bạn hãy tăng cường học nhóm, giao lưu, dã ngoại nhé. Tuyệt nhiên đừng vì nhàm chán hay vì điểm thấp ở 1-2 năm đầu mà mất tinh thần phấn đấu hoặc thậm chí là buông thả, chán nản. Ngay năm đầu, Nhà trường cũng bố trí môn học nhập môn để giới thiệu ngành trước, đồng thời cho các em một chuyến đi tham quan thực tế về ngành, thú vị đấy.
2️⃣ Khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp
Bao gồm: Kiến thức cơ sở khối ngành, Kiến thức cơ sở ngành, Kiến thức ngành, Kiến thức tự chọn, Thực tập tốt nghiệp và Đồ án tốt nghiệp
2.1 Kiến thức cơ sở khối ngành: 31 tín chỉ
Gồm các môn:
+ Cơ học cơ sở 1, 2: là môn học nghiêm cứu về cơ học bằng các phương tiện toán học như: giải tích vectơ, vi phân, đạo hàm… gồm các phần Tĩnh học, Động học, Dao động…
+ Đồ họa kỹ thuật 1, 2: là môn học cho sinh viên kiến thức và kỹ năng về vẽ kỹ thuật. Các em được học vẽ các bản vẽ chi tiết công trình bằng phần mềm như AutoCAD, Revit…
+ Trắc địa và thực tập: Học môn này giúp các em có thể đo đạc, xử lý số liệu, vẽ địa hình địa vật trên giấy (xây dựng bản đồ, mặt bằng, mặt cắt dọc ngang tuyến công trình). Môn này các ngành kỹ thuật đều cần học.
+ Cơ học chất lỏng: Kiến thức về chất lỏng (phổ biến như nước) và đánh giá, mô phỏng, tính toán được nó bởi các phương trình toán lý. Đây là môn tiền đề cho môn Thủy lực công trình sau này. Học tốt thủy lực rất cần cho tính toán kích thước cơ bản trong thiết kế công trình thủy. Môn này kỹ sư công trình thủy học tốt có thể đi tính toán thiết kế hệ thống cấp thoát nước của ngành Cấp thoát nước.
+ Địa chất công trình: Môn này nghiên cứu thành phần, trạng thái, tính chất vật lý, tính chất cơ học của đất đá nhằm phục vụ cho công tác thiết kế xây dựng các công trình. Sinh viên được thực tập và thí nghiệm xác định các chỉ tiêu cơ lý của đất nền dưới mỗi công trình nhằm phục vụ tính toán thiết kế nền móng. Môn này ngành Ccông trình thủy học kỹ và sâu hơn xây dựng, giao thông.
+ Sức bền vật liệu 1,2; Cơ học kết cấu 1,2: Đây là các môn thuộc Bộ môn Sức bền kết cấu. Là môn học tính toán được nội lực, chuyển vị các bộ phận công trình xây dựng nói chung. Nhìn qua bản vẽ công trình hay nhà cửa là sinh viên có thể tính được nó chịu những lực gì, nội lực sinh ra thế nào, nó có bị dịch chuyển hay bị phá hoại bởi lực tác dụng bên ngoài và trọng lượng bản thân của nó hay không. Công trình thủy, xây dựng, giao thông đều học gần như nhau.
2.2 Kiến thức Cơ sở ngành: 19 tín chỉ
Các môn học này sẽ chuyên sâu về ngành hơn chút. Gồm các môn:
+ Cơ học đất; Nền móng: Đây là các môn cùng với môn Địa chất công trình thuộc Bộ môn Địa kỹ thuật. Hai môn này chuyên sâu nghiên cứu các tính chất vật lý, cơ học của đất để áp dụng vào mục đích xây dựng, các nguyên nhân quyết định các đặc trưng đó, nghiên cứu trạng thái ứng suất – biến dạng của đất, cường độ chống cắt, áp lực hông của đất (tường chắn), sức chịu tải của nền khi đặt công trình bên trên… Môn học này giúp các em tính toán nền móng được cho mọi loại công trình.
+ Thủy lực công trình: Cùng với môn Cơ học chất lỏng, thuộc Bộ môn Thủy lực. Môn học này nghiên cứu và tính toán về dòng chảy. Sinh viên tính toán được các loại áp lực của nước (thủy tĩnh, thủy động…) lên công trình, đường ống; Tính toán lưu lượng, vận tốc dòng chảy trong đường ống (cho cấp thoát nước), trên kênh – sông cho thủy lợi, thủy điện…
+ Thủy văn công trình: Môn học này cung cấp những kiến thức cơ bản về sự hình thành dòng chảy sông ngòi, các phương pháp tính toán các đặc trưng thủy văn thiết kế phục vụ công tác quy hoạch, thiết kế, thi công, quản lý và vận hành hệ thống công trình thủy lợi – thủy điện, giao thông và các công trình xây dựng khác. VD: Sinh viên có thể tính toán lượng nước lũ ở 1 lưu vực tập trung về sông suối, từ đó tính toán điều tiết để xây dựng hồ thủy lợi, thủy điện, phòng chống lũ cho hạ du.
+ Vật liệu xây dựng: Môn này nghiên cứu về vật liệu xây dựng, thiết kế thực hiện quá trình tổ chức sản xuất vật liệu xây dựng, phát triển chất lượng sản phẩm xây dựng và thực hiện phương pháp giám sát triển khai, sử dụng vật liệu xây dựng phù hợp nhất với công trình, dự án.
+ Đánh giá tác động môi trường: Môn học này các kỹ sư công trình thủy được học để biết đánh giá những ảnh hưởng, những tác động đến môi trường khi xây dựng công trình, dự án.
+ Kinh tế xây dựng: Là kiến thức kết hợp giữa kết hợp giữa kinh tế kỹ thuật và quản lý xây dựng. Ngành công trình thủy học môn này để làm được các công việc như tính toán các chỉ số kinh tế của dự án như hiệu ích đầu tư, tài chính, kế toán, thống kê, giám sát… các dự án.
2.3 Kiến thức ngành: 36 tín chỉ
Đây là khối kiến thức chuyên ngành. Gồm các môn: Nhập môn ngành Kỹ thuật xây dựng công trình thủy; Kết cấu thép; Kết cấu bê tông cốt thép; Giới thiệu và cơ sở thiết kế công trình thủy; Cơ sở thiết kế công trình biển và cảng; Đập và hồ chứa; Thủy năng và thiết bị thủy điện; Công trình đường thủy; Công trình trạm thủy điện; Thi công 1,2; Công trình bảo vệ bờ biển; Thiết kế cảng và công trình bến; Thiết kế đê và công trình bảo vệ bờ sông…
Các môn học trên chuyên sâu vào tính toán thiết kế và thi công những công trình về thủy lợi, thủy điện, bến cảng… (tên các môn học đã phần lớn thể hiện nội dung). Riêng phần kết cấu thép, Kết cấu bê tông cốt thép thuộc Bộ môn Kết cấu công trình là kiến thức có thể tính toán cho mọi công trình bằng thép và bê tông cốt thép bên các ngành khác.
2.4 Khối kiến thức tự chọn: 13 tín chỉ
Khối kiến thức này rất nhiều môn học liên quan đến nhiều chuyên ngành của Khoa Công trình. Sinh viên đi theo chuyên ngành nào sẽ chọn những môn liên quan đến chuyên ngành đó để học. Khối này bao gồm 26 môn học với tổng cộng 41 tín chỉ, sinh viên chỉ cần chọn học đủ 13 tín chỉ trong đó là hoàn thành.
Các môn học: Đồ án thủy năng và thiết bị thủy điện; Các nguồn năng lượng tái tạo; Đồ án các nguồn năng lượng tái tạo; Đồ án cơ sở thiết kế công trình cảng, đường thủy; Quy hoạch cảng; Thiết kế theo độ tin cậy và rủi ro; Máy bơm và trạm bơm; Thực nghiệm kết cấu công trình; Quản lý đầu tư xây dựng; Đồ án thiết kế nhà máy thủy điện; Đồ án thiết kế tuyến năng lượng của trạm thủy điện; Vận hành trạm thủy điện; Tin học ứng dụng trong thủy điện; Đồ án thiết kế cảng và công trình bến cảng; Đồ án công trình đường thủy; Công trình bảo vệ cảng và đập phá sóng; Công trình trên hệ thống thủy lợi; Đồ án đập đất; Đồ án đập bê tông; Đồ án công trình trên hệ thống thủy lợi; Quy hoạch hệ thống thủy lợi; Đồ án thiết kế đê và công trình bảo vệ bờ sông; Đồ án thiết kế công trình bảo vệ bờ biển; Tin học ứng dụng trong kỹ thuật biển; Quản lý biển và đới bờ; Quy hoạch và ra quyết định trong kỹ thuật biển…
Bạn thấy đấy, học ngành Kỹ thuật xây dựng Công trình thủy được học rất nhiều kiến thức. Tuy vất vả, tuy học tốt hết là không dễ… nhưng khi bạn thật sự học thì lượng kiến thức bạn lĩnh hội được là rất quý báu, rộng và đa lĩnh vực. Bạn có thể tự hào sau này là tác giả thiết kế những công trình thế kỷ, những công trình ghi vào sử sách cho thế hệ mai sau.
Lê Trung Thành